#WorldAnimalDay - Ngày thế giới vì động vật: Giáo dục tác động đến nhận thức, hành vi và chính sách – và đó là cách chúng ta thay đổi thế giới

04 October 2018

Jill Robinson helps a kid with the bear drawing

Bài viết của Đại sứ Ngày Thế giới vì Động vật, Sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Tổ chức Động vật Châu Á, Tiến sỹ Jill Robinson

Khi chứng kiến những hành vi bạo hành động vật, chúng ta rất dễ bị chán nản. Suốt ngày ở trên bản tin, trên điện thoại, trên mạng có những thông tin khiến chúng ta có lúc cảm tưởng như thế giới này tràn ngập những tội ác.

Nhưng tình hình thực tế tất nhiên là có nhiều sắc thái phức tạp hơn những gì được thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Rất nhiều người trong số chúng ta đã dành cả đời để truyền đi thông điệp về phúc lợi động vật và đấu tranh giúp những sinh vật đang gặp hiểm nguy, trong khi vẫn băn khoăn không hiểu tại sao con người lại có thể nhắm mắt làm ngơ trước những khổ đau xung quanh chúng ta. Nhưng rồi bản thân tôi đã nhớ lại bước khởi đầu của tôi khi mới đi vào sự nghiệp này.

Ngành công nghiệp lông thú là một trong những vấn đề về phúc lợi động vật đầu tiên đã khiến tôi thực sự bị chấn động. Sự giận dữ của tôi khi đó không đến từ việc được chứng kiến cảnh con người bạo hành động vật, mà đến từ việc tôi nhận ra mình cũng đã góp một phần trong đó.

Do thiếu hiểu biết, tôi đã mua một cái áo khoác lông thú. Khi đó, chỉ một bức ảnh có cảnh động vật được nuôi nấng tử tế ở trang trại đã thuyết phục được tôi rằng, bằng cách nào đó, những sinh vật này đã không phải chịu khổ đau gì để phục vụ cho thú vui phù phiếm của tôi.

Tương tự như vậy, ở Việt Nam và Trung Quốc, mỗi ngày, hàng ngàn người mua thịt chó hoặc mật gấu hoặc vé đi xem xiếc thú, không phải vì họ là người xấu, mà bởi vì họ thiếu hiểu biết về những sự thật đằng sau những món hàng họ đã mua.

Giáo dục cho mọi người về cuộc sống

Mid-Autumn Day with Dr Dog 0N4A6858-1

Có rất nhiều cách để khiến mọi người nhận ra được khả năng tri giác của động vật.

Đối với nhiều người, đó chính là cuộc sống thường ngày với thú cảnh như chó mèo. Khi chúng ta chia sẻ cuộc sống với một sinh vật khác, chúng ta có thể sẽ có một giây phút bừng tỉnh khi chợt nhận thấy trí óc và những nhu cầu đa dạng về phúc lợi của chúng.

Ở Việt Nam và Trung Quốc, việc nuôi thú cưng đã bùng nổ trong 5 năm qua và vì thế nên rất nhiều các bạn trẻ đã từ bỏ thói quen ăn thịt chó của thế hệ trước.

Hàng triệu bạn trẻ cũng đã liên hệ việc thú cưng của mình có đời sống tình cảm, nội tâm rất phong phú với việc các loài động vật khác cũng có nhu cầu và mong muốn tương tự – kể cả những loài đang bị bóc lột trong các vườn thú, rạp xiếc và trang trại không đạt chuẩn.

CDCO7532

Nhưng hiện nay, dư luận xã hội như vậy vẫn chưa có đủ sức nặng để có thể thay đổi chính sách. Chúng ta có thể thấy ngay điều đó từ việc luật pháp vẫn chưa có các quy định rõ ràng về bảo vệ động vật.

Tất cả các sinh vật đều chỉ có một mạng sống mà chúng rất trân trọng và yêu quý không khác gì chúng ta cả, đó là thông điệp cần đến được với nhiều người hơn nữa và đi sâu hơn vào tiềm thức của tất cả chúng ta.

Chính vì thế Tổ chức Động vật Châu Á đang cố gắng để đưa phúc lợi động vật vào trong chương trình học ở Trung Quốc.

Tính đến nay, chúng tôi đã tập huấn cho hơn 350 giáo viên về phúc lợi động vật và đang trong giai đoạn hoàn thiện sách giáo khoa phúc lợi động vật để cho xuất bản vào năm 2019.

Chúng ta cần phải chia sẻ thông tin rộng rãi một cách có hệ thống như vậy. Chúng ta không thể chỉ nói chuyện với những người đã chọn đi theo con đường này, hay những người yêu động vật dễ đồng cảm với chúng ta – chúng ta phải đối thoại với cả xã hội. Chỉ như thế thì sức nặng của dư luận xã hội mới đủ sức thúc đẩy những chính sách có thể bảo vệ động vật khỏi bạo hành.

The kids high-five their support

Hướng tới tương lai giàu lòng trắc ẩn

Chúng tôi biết rằng những thay đổi về chính sách sẽ tạo ra những chuyển biến rất lớn trong xã hội. Trước đây, các cơ quan chức năng Trung Quốc thường thực thi các biện pháp rất mạnh tay để xử lý đàn chó mèo hoang.

Do lo sợ dịch bệnh dại, hàng ngàn cá thể chó sẽ bị bắt gom lại và giết hại dã man. Cách làm như vậy là hoàn toàn bình thường.

Nhưng kể từ khi chúng tôi bắt đầu làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi đã bắt đầu khuyến khích họ thực thi các biện pháp mới nhân đạo hơn.

Thay vì bắt và tiêu hủy hàng loạt, nhiều tỉnh đã đặt thực hiện mô hình bẫy, triệt sản, tái thả để làm giảm số lượng mèo hoang, và mở các phòng khám thú y cho chủ chó có trách nhiệm để giảm số lượng chó bị bỏ rơi đi hoang. Giờ hiếm khi còn có việc tiêu hủy hàng loạt chó ở Trung Quốc.

Ở Việt Nam, việc nuôi nhốt gấu lấy mật từng chỉ là một việc kinh doanh bình thường. Sau đó, nó đã trở thành một vấn nạn được chấp nhận cho tồn tại. Giờ thì những trại gấu lấy mật đã trở thành những vết nhơ và bị pháp luật cấm hoàn toàn, và đến năm 2022 tất cả các trại gấu sẽ bị đóng cửa và gấu sẽ được chuyển hết về các trung tâm cứu hộ.

Chúng tôi biết rằng điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với những hành vi bạo hành động vật thường thấy trong ngành giải trí. Kết quả ban đầu là Chính phủ Việt Nam – với sự thúc đẩy từ những điều tra của tổ chức chúng tôi về các lễ hội có bạo hành động vật – đã chỉ đạo rõ ràng rằng phải chấm dứt tất cả các hành vi "phản cảm" trong các lễ hội và một số lễ hội đã bị đình chỉ hoàn toàn.

Chúng ta phải thể hiện rõ rằng các hành vi bạo hành động vật là không bình thường. Phải loại bỏ những hành vi đó khỏi các hoạt động thường ngày và đẩy chúng ra ngoài lề xã hội trước khi cả xã hội có thể đồng thuận rằng những hành vi đó là không thể chấp nhận được.

Chấm dứt xiếc thú hiện là một trong những mục tiêu hoạt động chính của chúng tôi ở Việt Nam .

Tình hình hiện nay là phần lớn mọi người vẫn chưa nghĩ nhiều về những gì đang xảy ra ở hậu trường của rạp xiếc: Làm sao mà voi lại biết đứng thăng bằng trên bệ, dê đi thăng bằng trên dây, hay gấu ngựa lại đi xe máy.

Khán giả không thấy cảnh động vật hoang dã bị săn bắt trộm ngoài tự nhiên, những loài vật bị đe dọa tuyệt chủng và được pháp luật bảo vệ bị buôn bán trái phép, huấn luyện thú tàn bạo, điều kiện sống ngục tù và động vật phải sống cả đời trong đau khổ.

Thay vào đó, họ chỉ thấy ánh đèn sân khấu và những trò diễn. Và họ cười. Không phải vì họ ác độc, mà vì họ không biết hết những sự thật.

Báo cáo điều tra năm 2018 của chúng tôi đã biến xiếc thú thành vấn đề được quan tâm rất nhiều trên truyền thông Việt Nam. Khái niệm phúc lợi động vật và nạn bạo hành động vật đang được đưa ra bàn luận rất nhiều, mọi người đang đặt câu hỏi về những chuẩn ứng xử của xã hội, nhưng cuối cùng thì chỉ có cách cấm hẳn các hoạt động này thì thông điệp mới đến được với tất cả mọi người.

Động vật cần có luật phúc lợi để bảo vệ chúng trước sự bạo hành, và thay đổi hiện trạng xã hội. Giáo dục ở quy mô lớn về tri giác động vật cũng là điều kiện cần để thúc đẩy một thay đổi lớn như vậy.

Tất cả chúng ta phải nhận ra rằng dù con người không thể hiểu hết được tất cả những cách giao tiếp rất đa dạng của động vật, chúng vẫn có đời sống nội tâm rất phong phú, với những nhu cầu thiết yếu cả về thể chất và tinh thần. Động vật cũng có suy nghĩ, tình cảm, nhu cầu, mong muốn và các mối quan hệ của riêng chúng.

Động vật có thể không viết được sách hay bay lên mặt trăng như con người, nhưng cả động vật và con người đều chịu khổ đau như nhau.

Vì thế, thay vì cảm tuyệt vọng trước những hành vi bạo hành của con người, tôi đồng hành cùng những người làm giáo dục. Vì chỉ có giáo dục mới đánh bại được sự thiếu hiểu biết. Khi có hiểu biết, kiến thức, các quốc gia trên thế giới có thể cùng tạo ra một tương lai mà cuộc sống của tất cả động vật không chỉ được quan tâm đến trong khuôn khổ cuộc sống thường ngày của con người, mà còn được tôn trọng và bảo vệ trong cuộc sống của riêng chúng.

Pupils read handbook of taking care herbs


BACK