Phim Dumbo có thể có thông điệp về phúc lợi động vật, nhưng những hình ảnh quảng cáo phim nhan nhản ở nơi công cộng lại đã bỏ hết phần thông điệp đó đi và chỉ để lại hình ảnh voi mặc trang phục biểu diễn xiếc.
Khi đến với Khu mua sắm Quảng trường Thời đại ở Hồng Kông vào thời điểm này, du khách sẽ được chào đón bằng một cảnh tượng rất đáng kinh ngạc, với những hình ảnh mà tôi tưởng xã hội đã bỏ lại đằng sau.
Một chú voi con dễ thương mặc đồ diễn xiếc đang treo lơ lửng ở trên cao, với nụ cười hạnh phúc khi biểu diễn. Cách đó không xa là hình ảnh chú voi con đang đứng trên bục diễn xiếc, gương mặt tự hào rạng rỡ trước đám đông khán giả.
Là người đã tham gia vận động đặt dấu chấm hết cho nạn bạo hành của xiếc thú trong rất nhiều năm, và đã được nhìn thấy những vết sẹo, vết thương và xích trói của các loài vật trong rạp xiếc, tôi thấy những hình ảnh này có thông điệp hoàn toàn sai lầm.
Không có con thú hoang nào lại tự nguyện, sẵn sàng diễn những trò phi tự nhiên như vậy cho con người xem. Động vật trong các rạp xiếc phải chịu đựng cuộc sống cực kỳ khổ sở và nỗi đau của chúng vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Tổ chức Động vật Châu Á đã tiến hành điều tra các cơ sở biểu diễn động vật ở châu Á và đã phát hiện ra rằng các tiết mục voi biểu diễn vẫn rất phổ biến. Voi vẫn đang bị bắt trộm từ ngoài tự nhiên, bị huấn luyện bằng bạo lực và nuôi trong điều kiện cực kỳ không đảm bảo, nên có thể gây ra sang chấn tâm lý lâu dài.
Nhưng tại Trung tâm mua sắm Quảng trường Thời đại, những điều này đã hoàn toàn không được thể hiện. Thay vào đó là hình ảnh của chú voi con dễ thương, vui vẻ diễn xiếc cho con người.
Phải mất một lúc mọi người mới có thể nhận ra rằng những hình ảnh này là một mánh quảng cáo cho bộ phim Dumbo mới ra mắt của Disney.
Những bài phê bình phim sớm có nói rằng bộ phim này có các thông điệp ủng hộ phúc lợi động vật. Dù có như vậy, nhưng trong các trung tâm mua sắm trên khắp thế giới, thông điệp này hoàn toàn vắng bóng. Thay vào đó, chúng ta chỉ thấy những hình ảnh sai lệch về hoạt động xiếc thú và các mô hình kích thước thật để trẻ em đứng chụp ảnh cùng.
Nếu xiếc thú đã bị lịch sử bỏ lại, thì điều này có thể chấp nhận được. Nhưng trong thời đại mà voi, gấu, khỉ, đười ươi, cá heo và rất nhiều loài khác nữa vẫn đang bị giam giữ trong điều kiện gây ra rất nhiều những tổn thương cả về thể chất và tinh thần cho chúng, chỉ để mua vui cho con người, thì những hình ảnh như vậy sẽ gửi đi thông điệp hoàn toàn sai lầm.
Liệu sẽ có bao nhiêu gia đình đi xem biểu diễn xiếc thú sau khi thấy những hình quảng cáo cho phim Dumbo? Sẽ có bao nhiêu người sẽ tìm cách chụp ảnh cùng voi con ngoài đời thực? Và sẽ có bao nhiêu người trả tiền để cưỡi "Dumbo thật"?
Ở châu Á, hiện nay vẫn còn hàng ngàn chú voi "Dumbo thật" đang phải làm việc trong các rạp xiếc, chở khách du lịch và kéo gỗ. Cuộc sống của chúng chẳng có gì giống với cuộc sống hạnh phúc của Dumbo trong những hình quảng cáo trong các trung tâm mua sắm và những hình ảnh đó nhiều khả năng sẽ được tái hiện lại trong rất nhiều món đồ chơi và các sản phẩm khác.
Thay vào đó, cuộc sống của chúng lại rất giống với Jumbo, một cá thể voi có thật sống vào những năm 1940 và là nguồn cảm hứng ban đầu cho Dumbo.
Jumbo không được sinh ra trong rạp xiếc. Cũng giống như phần lớn đồng loại của mình trong rạp xiếc, chú voi này bị bắt ngoài tự nhiên, voi mẹ thì bị giết vì không bao giờ có chuyện voi mẹ để con bị bắt mất mà không kháng cự. Sau khi bị bắt, Jumbo đã phải trải qua một cuộc sống nuôi nhốt khổ sở, phải chở khách, bị bắt ăn bánh ngọt, uống rượu và gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe trước khi chết trẻ.
Hiện nay, những hành vi như vậy vẫn thường xuyên diễn ra trong các cơ sở có trình diễn động vật. Sự bạo hành vẫn là được coi là chuyện bình thường.
Câu chuyện bi thảm của Jumbo vẫn đang được lặp lại và vì thế chúng ta không thể chủ quan khi vận động chấm dứt ngành kinh doanh này.
Tôi lo rằng dù Disney có ý tốt khi làm phim, nhưng việc đặt bối cảnh phim trong giới xiếc thú sẽ góp phần nâng cao nhu cầu của mọi người đối với các hoạt động có bạo hành động vật."