Chiều ngày 4/8/2023, Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa cuối cùng tại tỉnh Hà Nam. Chủ nuôi gấu là một hộ gia đình ở thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã làm đơn tự nguyện chuyển giao gấu lại cho Nhà nước, mong muốn đơn vị tiếp nhận là Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam sẽ chăm sóc gấu trong điều kiện tốt nhất. Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam trực tiếp vận động, hỗ trợ bàn giao cho Tổ chức Động vật Châu Á dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng địa phương.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm Hà Nam, đây là cá thể gấu cuối cùng trên địa bàn tỉnh do cơ quan này quản lý. Gấu ngựa được hộ gia đình nuôi từ khi còn là gấu con, từ khoảng năm 2005, tới nay đã gần 20 tuổi trong lồng sắt tại căn bếp của gia đình. Gia chủ nuôi gấu trong điều kiện vệ sinh tương đối tốt và dùng quạt điện để chống nóng, thoáng khí cho gấu. Cá thể gấu ngựa cái, khá quen với người nhưng vẫn có nhiều dấu hiệu căng thẳng, gấu liên tục vẫy đầu khi thấy người lạ vây quanh. Chú gấu được cứu hộ đúng dịp sinh nhật kỉ niệm 25 năm của Tổ chức Động vật Châu Á, và được dành tặng cái tên Kindness (Nhân ái) như khẩu hiệu mà Tổ chức chọn làm tôn chỉ: Hành động nhân ái.
Để cứu hộ được gấu Kindness, các bác sỹ thú y gây mê và khám cho gấu ngay tại sân trước của gia chủ. Trước khi gây mê, Tổ chức cũng hướng dẫn chủ nuôi không cho gấu ăn trong 24h để đáp ứng với thuốc gây mê. Ts Jill Robinson – sáng lập viên của Tổ chức trực tiếp tham gia cứu hộ gấu. Ts Jill với vai trò giúp gấu bớt căng thẳng và dễ dàng tiếp cận quan sát, đã dùng những đồ ăn mà gấu yêu thích như mật ong, sữa đặc, mứt, quả khô để dụ gấu, nhằm giúp gấu bình tĩnh và nhờ đó, bác sỹ thú y có thể quan sát gấu kĩ càng và ghi nhận liều lượng mê phù hợp (dựa vào tính toán cân nặng và tình trạng sức khỏe của gấu).
Chia sẻ về tình trạng sức khỏe của gấu, bác sĩ thú y Rachel Sanki của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cho biết, cá thể gấu Kindness là gấu cái, nặng ước chừng chưa tới 100kg. Dù gấu khá gầy, nhưng không bất thường so với tuổi. Chân gấu bị chai sần, nứt nẻ, và đặc biệt móng bị mọc dài quặp vào bàn chân. Gấu vẫn cần phải khám thêm về túi mật khi về đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Ngoài ra, răng gấu cũng cần được làm sạch.
Sau khi gây mê và khám sức khỏe, gấu sẽ được nhanh chóng đưa lên lồng vận chuyển và vận chuyển lên xe tải. Chi cục Trồng trọt, BVTV và Kiểm lâm Hà Nam hoàn thiện thủ tục vận chuyển đặc biệt cho gấu. Gấu đi về Tam Đảo trong ngày 4/8/2023. Tổ chức Động vật Châu Á cũng cảm ơn Trung tâm Giáo dục Thiên Nhiên đã kết nối thông tin về gấu cần cứu hộ tới Tổ chức và đơn vị chức năng.
Vào thời điểm ban đầu gắn chip gấu cả nước năm 2005, tỉnh Hà Nam có 28 cá thể gấu và cuối cùng, sau 18 năm, toàn tỉnh đã không còn hiện trạng nuôi nhốt gấu nữa. Được biết, trong năm 2009, Tổ chức Động vật Châu Á cũng đã cứu hộ thành công 2 cá thể gấu từ Hà Nam. Trước Hà Nam, đã có hơn 20 tỉnh thành trước đây còn tồn tại, nay đã chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ những cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng ở một số tỉnh như: Thừa Thiên- Huế, Quảng Ninh, Gia Lai, Lạng Sơn, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Thuận, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng. Đây là chuyến cứu hộ thứ 6 của Tổ chức Động vật Châu Á trong năm nay, nâng tổng số gấu cứu hộ của Tổ chức lên 265 cá thể.
5 điều cần biết về nạn nuôi nhốt lấy mật
Hãy cùng trở thành Người hùng của Gấu ngựa!