Ngôn ngữ thanh âm của loài vượn

24 October 2018

#AmazingAnimals - #International Gibbon Day - Ngày Vượn Quốc tế - 24/10

Vượn là loài đặc hữu của những khu rừng rậm Nam Á, chúng có khả năng thích nghi một cách hoàn hảo với cuộc sống ở trên cây, và rất hiếm khi chúng xuống đất. Vượn có bàn tay khỏe, hình móc để nắm bắt các cành cây dễ dàng; cánh tay dài “quá khổ” giúp vượn vươn được ra xa; và cùng với đó là đôi chân dài, khỏe, linh hoạt tạo cho chúng lực đẩy và đồng thời cũng để nắm bắt các cành cây khác. Khớp vai của vượn thậm chí còn có cấu tạo cho phép chúng đặc biệt thích nghi với phạm vi chuyển động rộng lớn khi chuyền cành. Có một loại vận động ở vượn, được gọi là vận động bằng cánh tay, có thể giúp vượn di chuyển qua rừng với vận tốc lên đến 56 km/h, vượt qua khoảng cách rộng chừng 15 m chỉ với một lần đu duy nhất. Sự vận động bằng cánh tay cũng mang lại cho vượn một lợi thế độc đáo giúp chúng vươn ra lấy được trái cây mọc ở phần ngọn của cành, cũng góp phần hạn chế sự cạnh tranh với các loài động vật khác loại thức ăn ưa thích của chúng.

Gibbons

Khi vượn đi bộ, dù dọc theo cành cây hay trong những trường hợp hiếm hoi khi chúng đi trên mặt đất, chúng thường đi bằng hai chân với cánh tay vung lên trên đầu để giữ thăng bằng. Vượn là loài linh trưởng phi nhân đi bằng hai chân mà thường được nghiên cứu nhiều nhất cho thuyết tiến hóa về việc con người có thể đi bằng hai chân.

Có hơn một chục loài vượn được công nhận từ đông bắc Ấn Độ đến miền nam Trung Quốc đến Borneo. Tất cả các loài này dều không có đuôi, và bộ lông dài của chúng đa dạng về màu sắc từ màu kem đến màu nâu cho tới màu đen. Nhiều loài có dấu màu trắng trên mặt, bàn tay và bàn chân. Loài vượn lớn nhất còn được gọi là vượn mực (siamang) có thể nặng đến 13 kg. Các loài nhỏ hơn chỉ nặng khoảng 4 kg.

Vượn là loài động vật đơn giao, cũng là một đặc điểm hiếm có trong số các loài linh trưởng. Vượn sống trong các nhóm gia đình bao gồm một cặp trưởng thành và con non của chúng. Gia đình vượn sẽ vạch ra một phạm vi lãnh thổ và bảo vệ nó bằng âm thanh, những tiếng gọi ám ảnh mà có thể vang xa hàng dặm khắp khu rừng. Các cặp đôi, hay thậm chí là cả gia đình, sẽ cùng nhau hót những bài ca dài và phức tạp. Một số loài thậm chí còn có phần cổ họng lớn để khuếch đại tiếng gọi của mình.

Gibbon family

Vượn sử dụng đa dạng các âm giọng khác nhau tương tự như ngôn từ mà chúng ta nói hàng ngày, bao gồm những tiếng cảnh báo về kẻ săn mồi cụ thể, chẳng hạn như loài báo và rắn. Ví dụ, hổ và báo được vượn báo hiệu bằng âm giọng nhất định chỉ liên quan đến những con mèo lớn, trong khi đại bàng và diều hâu được báo hiệu bằng một âm thanh riêng biệt chỉ liên quan đến chim ăn thịt. Cũng có một số biến thể nhẹ được phát hiện giữa các tiếng gọi này, cho thấy rằng vượn đôi khi có thể truyền đạt những loài cụ thể nào mà chúng đã phát hiện ra.

Tiếng gọi của vượn rất cụ thể, chúng thậm chí còn có tín hiệu để báo cho các cá thể khác biết khi kẻ săn mồi đứng yên hay di chuyển.

Các cá thể vượn cái cũng cho thấy chúng có vốn “từ” phong phú hơn vượn đực. Con đực có thể nói rằng “Chúng ta đang bị tấn công", nhưng những con cái mới là thủ lĩnh nên chúng sẽ đưa ra chỉ dẫn về những việc cần phải làm. Ví dụ, chúng có thể nói rằng “Con báo! Leo lên cao hơn”.

Có một điều còn thú vị hơn nữa, vượn có thể giữ cho âm thanh của các tiếng gọi của chúng cảnh báo về động vật săn mồi nằm ngoài phạm vi/khả năng nghe của kẻ săn mồi bằng cách sử dụng tần số âm thanh thấp. Điều này cho phép vượn phát ra âm thanh báo động cho nhau mà không để lại những manh mối khiến kẻ săn mồi có thể đoán được vị trí của chúng.

Các mối đe dọa đến sự sống còn của loài vượn

Những cư dân sống trên cây mang tính biểu tượng này đang nằm trong số những loài linh trưởng bị đe dọa nhất trên Trái đất. Sinh cảnh của chúng dần biến mất nhanh chóng, vượn cũng thường bị bắt và bán làm vật nuôi, hoặc bị giết để chế biến thành thuốc trong y học cổ truyền. Nhiều loài vượn đã được liệt vào nhóm loài nguy cấp (EN) và cực kỳ nguy cấp (CR).

Vượn trong môi trường nuôi nhốt

Vượn cũng là loài động vật hoang dã cần có các điều kiện đặc biệt về môi trường sống để đảm bảo rằng nhu cầu về thể chất và hành vi của chúng được đáp ứng. Nếu không được cung cấp một sinh cảnh phù hợp cho phép vượn thể hiện hành vi tự nhiên của mình, chúng sẽ phải chịu đựng một cuộc sống với tình trạng phúc lợi rất kém.

Một số ví dụ về quản lý động vật nuôi nhốt thích hợp đối với loài vượn có thể kể đến các vườn thú ở Melbourne, Pittsburgh, London và Twycross. Tại đây, vượn được sống trong một khu chuồng khá tốt phỏng theo môi trường sống của chúng ngoài tự nhiên, chúng được cung cấp nhiều cơ hội leo trèo và chuyền cành, cùng với các hoạt động làm giàu phong phúc cho phép vượn được thể hiện các hành vi tự nhiên của mình.

 


BACK