Tổ chức Động vật Châu Á trao giải thưởng vẽ tranh cổ động tuyên truyền về phúc lợi động vật trong lễ hội

29 October 2019

Các tác giả đạt giải chụp ảnh cùng ban tổ chức

Sáng ngày 28/10/2019, Tổ chức Động vật Châu Á đã trao giải thưởng vẽ tranh cổ động tuyên truyền về phúc lợi động vật trong các lễ hội truyền thống cho các thí sinh đạt giải trên toàn quốc. Lễ trao giải được diễn ra tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc – nơi được coi là trung tâm cứu hộ gấu lớn nhất cả nước và cũng là mô hình cứu hộ - chăm sóc đảm bảo phúc lợi động vật tốt nhất hiện nay.

GIẢI NHẤT: SỐ ĐỎ NGUYỄN CẨM ANH

Mười một giải thưởng, với 1 giải nhất và hai giải nhì cùng nhiều giải thưởng khuyến khích và bình chọn đã được trao cho các tác giả. Đồng thời, các tác giả đạt giải cũng có một ngày được trải nghiệm tham quan Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam nơi 184 cá thể gấu được cứu hộ trên khắp cả nước được đưa về sống tự do và an toàn trong môi trường bán tự nhiên.

Cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề phúc lợi động vật trong lễ hội diễn ra trong ba tháng, kết thúc vào 30/9/2019. Ban Tổ chức đã nhận được gần 100 bài dự thi của các bạn hoạ sỹ, học sinh, sinh viên và cả người nước ngoài trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước gửi về. Chất lượng bài dự thi cũng rất cao, thể hiện rõ quan điểm và nhận thức của các tác giả về việc sử dụng các động vật trong các lễ hội. Ban Tổ chức đã mời Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, và Lá Studio – một đơn vị chuyên về tranh minh hoạ cùng với các nhà bảo tồn động vật cùng chấm giải.

GIẢI NHÌ: NGUYỄN KIỀU MY - TRƯỚC NGÀY LỄ HỘI CHỌI TRÂU
Là một phần của chiến dịch tuyên truyền về phúc lợi của động vật sử dụng trong các lễ hội, quá trình tổ chức và kết quả của cuộc thi góp phần cung cấp một góc nhìn khác đối với động vật, khuyến khích cộng đồng nhìn nhận động vật dựa trên sự tôn trọng và lòng nhân ái, đặc biệt là những loài động vật mà đã góp phần giúp con người sinh tồn và phát triển qua hàng ngàn năm để được như ngày hôm nay; đồng thời vận động các lễ hội có sử dụng động vật chuyển đổi cách thức tổ chức sao cho động vật không phải chịu đựng sự căng thẳng, đau đớn, khổ sở, hướng tới những lễ hội nhân văn, nhân đạo hơn, và đồng thời, cũng đạt được sự đồng thuận từ phía người tham gia lễ hội nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Nguyễn Cẩm Anh – tác giả đạt giải nhất, đến từ Hà Nội với tác phẩm "Số đỏ" – vẽ về "ông ỉn" trong lễ hội có nghi thức chém lợn ở Ném Thượng- Bắc Ninh đã miêu tả bức tranh của mình và nỗi ám ảnh khi xem những thông tin về lễ hội này với màu đỏ của hoa hồng, của tiền lẻ, của "ông ỉn" được bôi phẩm đỏ, và của những vệt máu: "Màu đỏ là may mắn cho kẻ này và là máu của kẻ khác... Phúc lợi động vật là cái chưa bao giờ mình được dạy dù ở nhà hay ở trường." Tại lễ trao giải, cô cũng chia sẻ thêm: "Tôi hy vọng mỗi hoạ sĩ tham gia sẽ có thêm một nhóm bạn bè và người thân của hoạ sĩ biết thêm thông tin về phúc lợi động vật. Khi mọi người có đủ thông tin và thay đổi nhận thức của mình thì từ đó cuộc đời của động vật sẽ tốt đẹp hơn."

TS Tuấn Bendixsen Giám đốc trung tâm Cứu hộ gấu VN và tác giải đạt giải nhất

Với truyền thống là một quốc gia nông nghiệp, hình ảnh những loài động vật nuôi được thuần hóa như trâu, bò, lợn, gà, dê, v.v. trở nên rất thân thuộc và gần gũi trong văn hóa Việt Nam. Những hình ảnh con trâu bên lũy tre làng, hay đàn lợn, đàn gà con kiếm ăn trong vườn đã trở thành một biểu tượng, một nét văn hoá đồng quê rất đỗi bình dị. Những loài động vật này không chỉ xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, mà còn được khắc họa trong những tác phẩm điêu khắc, chạm khắc dân gian, trong hội họa tranh Đông Hồ nổi tiếng, cũng như trong các bài hát và những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao được lưu truyền qua hàng trăm, hàng ngàn năm.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, một số loài động vật này còn xuất hiện trong nhiều lễ hội truyền thống theo những cách không chỉ gây phản cảm cho cộng đồng, mà con gây đau đớn cho động vật, như tại các lễ hội chọi trâu, chọi gà, chém lợn, v.v. Dẫu biết bản chất những lễ hội truyền thống đều bắt nguồn từ những mong ước tốt đẹp của người dân, để tạ ơn thần linh và cầu cho mưa thuận gió hoà, nhưng những lễ hội này đang ngày càng trở nên thương mại hoá và biến tướng, xa rời và không còn phát huy được truyền thống nhân đạo tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, và ngày càng không còn phù hợp. Tổ chức Động vật Châu Á tổ chức cuộc thi kêu gọi cộng đồng không giới hạn tuổi tác, sự sáng tạo Với mong muốn tập hợp những suy nghĩ, quan điểm của cộng đồng, cũng như những ý tưởng về việc thay đổi tích cực, nhằm giảm thiểu, hướng tới chấm dứt sự chịu đựng, đau khổ cho những động vật trong các lễ hội.

Hai mươi bài dự thi chất lượng nhất sẽ Tổ chức Động vật Châu Á sử dụng trưng bày tại các địa điểm công cộng để nâng cao nhận thức cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi cho động vật bị sử dụng trong các lễ hội.


BACK