Trên thế giới, Gấu trắng Bắc Cực (polar bear) được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: gấu biển (sea bear), gấu băng (ice bear), gấu trắng (white bear), chúa tể Bắc Cực (lord of the Arctic), ông già mặc áo choàng lông (old man in the fur cloak), và hươu biển trắng (white sea deer).
Tên khoa học của gấu trắng Bắc Cực là Ursus maritimus, nghĩa là gấu biển.
Thích nghi một cách hoàn hảo với khí hậu lạnh giá
Gấu trắng Bắc Cực sống ở Bắc Cực. Cơ thể chúng được cấu tạo một cách hoàn hảo để thích nghi với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt tại đây. Dưới lông của chúng là một lớp mỡ dày có tác dụng giữ nhiệt. Lớp mỡ này có thể dày tới 11,4 cm. Lớp mỡ đóng vai trò quan trọng khi gấu trắng Bắc Cực phải bơi vì lông bị ướt giữ nhiệt rất kém. Một bộ phận khác giúp gấu trắng Bắc Cực giảm tối thiểu việc mất nhiệt đó là đôi tai tròn nhỏ và chiếc đuôi của chúng.
Gấu trắng Bắc Cực sở hữu những bộ móng vuốt đáng kinh ngạc, có thể dài tới 30 cm. Móng vuốt giúp chúng bước được trên lớp băng rất mỏng. Khi đứng trên những lớp băng mỏng này, gấu duỗi dài chân mình ra và hạ cơ thể xuống gần mặt băng. Bàn chân trước khổng lồ của gấu đóng vai trò như mái chèo khi gấu bơi, còn chân sau thì hoạt động như những bánh lái để "lái" gấu đi đúng hướng.
Gấu trắng Bắc Cực trò chuyện thế nào?
Gấu trắng Bắc Cực không phải loài động vật có vú ồn ào nhất, nhưng chúng vẫn giao tiếp với nhau theo nhiều cách. Giao tiếp xã hội là một kỹ năng quan trọng đối với động vật, và gấu trắng Bắc Cực không phải một ngoại lệ. Để có thể đáp lại con non, tương tác với những con trưởng thành khác, và tránh xung đột, gấu trắng Bắc Cực giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và đánh dấu mùi hương.
"Tôi muốn chơi!"
Gấu trắng Bắc Cực trưởng thành thực ra rất nghịch ngợm. Chúng thường chơi với nhau bằng cách "đánh trận giả". Hoạt động này phục vụ một số chức năng bao gồm giúp gấu luyện tập để "thực chiến", phát triển cơ bắp cần thiết, và đơn giản đây là một hoạt động vui vẻ đối với chúng. Khi gấu trắng Bắc Cực muốn chơi đùa, nó sẽ "vẫy" đầu từ bên này sang bên kia, sau đó chúng đánh nhau giả bằng cách đứng trên hai chân sau, cằm hạ xuống ngực, còn chân trước thả lỏng hai bên hông.
"Cho tôi ăn cùng với!"
Trong môi trường sống của gấu trắng Bắc Cực, thức ăn rất khan hiếm, vì vậy khi một con gấu tìm được thức ăn, những con gấu khác sẽ cố gắng tiếp cận để xin ăn cùng. Gấu trắng Bắc Cực trưởng thành có thể ít chia sẻ thức ăn, nhưng một con gấu cái có thể sẵn sàng chia sẻ thức ăn với con của mình kể cả khi chúng đã trưởng thành. Để "xin ăn", gấu sẽ tiến đến từ từ, đi vòng quanh "bữa ăn tiềm năng", sau đó nhẹ nhàng chạm khẽ vào mũi con gấu đang ăn. Lời chào mũi–mũi này là một tương tác ngụ ý rằng: "tôi không có ý gây hấn gì đâu nè".
"Đừng có dây vào tôi à nha!"
Khi một con gấu trắng Bắc Cực tức giận và muốn đuổi một con gấu khác đi, nó có thể thực hiện một số biểu hiện hung hăng như gào to, gầm gừ, rít lên hoặc khịt mũi để thể hiện sự tức giận và không thiện chí. Tiếng gầm sâu là một dấu hiệu cảnh báo, và gấu thường gầm như vậy để bảo vệ thức ăn của mình.
Nếu những dấu hiệu cảnh báo này vẫn không đủ, gấu có thể sẽ lao đầu về phía trước với đôi tai dựng ngược lên để tấn công đối phương. Một con gấu cái có thể lao mình như vậy để bảo vệ con mình khỏi một con gấu đực khác mà nó coi là mối nguy hiểm.
Không phải tất cả gấu trắng Bắc Cực đều chọn cách chiến đấu. Nếu chúng ngửi thấy một con gấu khác có ưu thế hơn đang ở gần mình, chúng sẽ di chuyển theo chiều gió để tránh xa con gấu kia.
Gấu trắng Bắc Cực thực sự là loài động vật tuyệt vời!
Bảo tồn gấu trắng Bắc Cực
Gấu trắng Bắc Cực được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, IUCN) xếp vào nhóm Nguy cấp (Endangered). Mối đe doạ chính đối với gấu trắng Bắc Cực là biến đổi khí hậu. Hiện có khoảng 23.000 cá thể gấu trắng Bắc Cực trên toàn thế giới. Con số này có thể giảm đáng kể trong một vài thập kỷ tới nếu tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra.
Các mối đe doạ khác đối với Gấu trắng Bắc Cực bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường, thương mại hoá Bắc Cực, bệnh dịch, săn bắn và suy thoái môi trường sống.
Vấn đề chính của biến đổi khí hậu đó là làm mất sinh cảnh của gấu trắng Bắc Cực, khiến chúng không thể tiếp cận được nguồn thức ăn chính của mình: hải cẩu. Gấu trắng Bắc Cực chỉ có thể săn mồi nếu có băng, và khi Bắc Cực ấm lên, băng biển tan chảy, thì gấu trắng Bắc Cực đang ngày càng bị đẩy ra khỏi khu vực săn mồi chính của chúng. Điều này khiến cuộc sống trở nên đặc biệt khó khăn đối với gấu cái và con non của chúng, bởi gấu con không có lớp mỡ đủ dày để sống sót dưới dòng nước lạnh. Gấu mẹ do đó không muốn bơi cùng gấu con, khiến việc tiếp cận thức ăn bị hạn chế một cách đáng kể.
Gấu trắng Bắc Cực trong môi trường nuôi nhốt
Rất nhiều cá thể gấu trắng Bắc Cực hiện đang được nuôi nhốt trong những điều kiện tồi tệ tại các vườn thú và thuỷ cung. Gấu trắng Bắc Cực là loài động vật thông minh, sống trên phạm vi rộng lớn, bởi vậy những cơ sở nuôi nhốt với không gian hạn chế và hoạt động vì lợi nhuận không thể cung cấp một môi trường sống cho phép gấu thể hiện những hành vi tự nhiên của mình, cũng không thể đáp ứng những nhu cầu đa dạng về thể chất, hành vi và tâm lý của gấu. Điều này khiến gấu bị căng thẳng và chịu nhiều đau khổ. Ví dụ, gấu trắng Bắc Cực trong điều kiện nuôi nhốt thường thực hiện các hành vi rập khuôn bất thường – một dấu hiệu của căng thẳng ở động vật nuôi nhốt.
Để tìm hiểu thêm về tuần lễ Gấu trắng Bắc Cực (03–09/11/2019), vui lòng truy cập:
https://polarbearsinternational.org/get-involved/polar-bear-week/
Để tìm hiểu thêm về các cách thức giúp đỡ gấu trắng Bắc Cực trong tự nhiên, vui lòng truy cập:
Nguồn: Phòng Phúc lợi Động vật, Tổ chức Động vật Châu Á