Động vật kỳ thú #AmazingAnimals: Thỏ giao tiếp với nhau qua biểu cảm khuôn mặt

28 September 2019

rabbit1

Con người sử dụng khuôn mặt của mình để thể hiện cảm xúc, từ những nụ cười cho tới những cái nhăn mặt cau có, chúng ta đều có thể nhận biết được người khác đang cảm thấy thế nào dựa vào biểu cảm trên khuôn mặt họ. Thỏ cũng vậy. Mặc dù đối với con người chúng ta, những biểu cảm khuôn mặt của thỏ là quá nhỏ để nhận ra, nhưng đối với những cá thể thỏ khác, chúng có thể “đọc” được các biểu cảm này và phản ứng dựa theo đó.

Thỏ sẽ thể hiện các biểu cảm khuôn mặt khác nhau, tư thế của chúng cũng sẽ thay đổi khi bị đau, bị căng thẳng và lo lắng. Trên thực tế, các nhà khoa học đã xây dựng một thang đo trực quan các biểu cảm của thỏ, để chúng ta biết được khi nào thỏ đang cảm thấy không hạnh phúc.

Khi thỏ hạnh phúc, chúng sẽ nhảy “binky”

rabbit5

Để biết thỏ có đang vui hay không thực ra rất đơn giản. Khi thỏ cảm thấy hạnh phúc, chúng sẽ nhảy cẫng lên (trong tiếng Anh hành động này được gọi là “binky”). “Binky” là động tác thỏ nhảy lên không trung, vặn mình và nhấp gót vào nhau. Bạn có thể xem một ví dụ về thỏ nhảy binky tại đây:

Tai thỏ rất kỳ diệu

rabbit3

Thỏ có thể xoay tai mình tới 180 độ! Điều này giúp chúng định vị chính xác vị trí phát ra âm thanh. Tai thỏ không chỉ dùng để nghe, mà còn giúp chúng hạ nhiệt khi trời nóng. Thỏ không đổ mồ hôi, và cũng không giải nhiệt bằng cách thè lưỡi ra như chó. Thay vào đó, diện tích của tai thỏ lại rất lớn, có tác dụng giúp thỏ hạ nhiệt. Tuy vậy, đây không phải cách hạ nhiệt hoàn hảo, và đôi khi thỏ cần được giải nhiệt khi trời quá nóng. Chuồng nuôi thỏ luôn luôn nên có bóng râm và có sẵn nước sạch cho thỏ uống.

Thỏ có thể giải quyết các vấn đề

Trong tự nhiên, có hàng triệu vấn đề mà thỏ hoang phải đối mặt và giải quyết. Thỏ nhà, mặc dù không còn sống trong môi trường hoang dã nữa, vẫn không mất đi khả năng tìm ra giải pháp cho các vấn đề mà chúng gặp phải. Chú thỏ trong video dưới đây đã học được cách di chuyển các món đồ chơi để tìm ra phần thưởng giấu phía dưới. Chú ta thậm chí còn học được cả cách dùng đầu để đẩy hoặc gạt miếng đồ chơi ra chỗ khác, tuỳ thuộc vào hướng mà miếng đồ chơi có thể trượt qua lại.

Thỏ thực sự là những sinh vật kỳ thú!

rabbit2

Thỏ sẽ là một người bạn tuyệt vời, tuy nhiên chúng cần được chăm sóc cẩn thận. Nuôi thỏ thực sự không phải công việc đơn giản hay dễ dàng. Trách nhiệm của người nuôi là cực kỳ lớn trong việc đảm bảo các nhu cầu của thỏ được đáp ứng, thoả mãn.

Trong khi nhiều cá thể thỏ được sống một cuộc sống phong phú, vui vẻ, thì nhiều cá thể phải sống trong môi trường tồi tệ do chủ nuôi thiếu hiểu biết về những nhu cầu căn bản của thỏ.

Một trong số những nhu cầu căn bản, thiết yếu để thỏ sống vui vẻ, hạnh phúc, đó là được sống với (những) thỏ khác. Thỏ cũng cần rất nhiều không gian để chạy, nhảy và chơi đùa mà không có nguy hiểm rình rập xung quanh đến từ các loài săn mồi như chó và cáo.

Thỏ nhà về bản chất vẫn là xuất phát từ thỏ hoang, và trong môi trường hoang dã thì thỏ dành rất nhiều thời gian vận động để tìm bạn, thức ăn và để chơi đùa. Thỏ nhà cũng cần được cung cấp những cơ hội tương tự.

Chúng cần không gian để chạy, rượt đuổi nhau và nhảy “binky” trong không trung. Một bạn thỏ “binky” là một bạn thỏ “happy” (hạnh phúc).

Thỏ cũng cần một người bạn thỏ để cùng chia sẻ cuộc sống, để phát triển tình bạn và để vệ sinh cơ thể mình nữa. Khi hai cá thể thỏ chải chuốt lông cho nhau, đây cũng chính là cơ hội để chúng thắt chặt tình bạn của mình. Tình bạn của thỏ không hề thua kém tình bạn của bất kỳ loài động vật nào khác. Chúng bới lông cho nhau, ăn cùng nhau, vận động cùng nhau, đào với và lăn lên trong cát cùng nhau, và ngủ cùng nhau. Thực tế là, ngay khi thỏ gặp được bạn thân nhất của mình, hai đứa sẽ dính như sam và rất ít khi tách nhau ra.

Trong Tuần lễ Nhận thức về Thỏ này, hãy dành một chút thời gian để cùng nghĩ về những bạn thỏ mà chúng ta đang chăm sóc, và hãy đảm bảo chúng có tất cả những gì chúng cần để sống một cuộc đời khỏe mạnh và hạnh phúc.

Với những ai đang có ý định nuôi thỏ nhà, hãy dành chút thời gian để đọc những lời khuyên chăm sóc thỏ dưới đây, và tự hỏi bản thân mình đã sẵn sàng để chu cấp được một ngôi nhà phù hợp cho thỏ hay chưa, và thỏa mãn được những nhu cầu đó của chúng trong vòng 11 năm tới.

Lời khuyên chăm sóc cho thỏ

Người nuôi thỏ cần tự trang bị cho mình những kiến thức cụ thể để đáp ứng được những nhu cầu về thể chất và hành vi của thỏ. Thỏ là động vật sống xã hội, do đó chúng cần được sống với những thỏ khác. Chúng cần rất nhiều không gian cũng như các kích thích về mặt tinh thần, và cần được tiếp cận với những loại thực phẩm cụ thể để đảm bảo sức khỏe.

Không nên nuôi nhốt thỏ chỉ trong một chiếc lồng hoặc lán nhỏ hẹp và chế độ ăn dành cho thỏ không nên chỉ dừng lại ở rau xanh và trái cây.

Nếu bạn đang cân nhắc nuôi thỏ, hãy liên lạc với các trung tâm cứu hộ động vật tại địa phương để nhận nuôi một bạn thỏ hiện chưa tìm được một mái nhà nhé.

Nhu cầu cơ bản của thỏ:

  • Không gian, thức ăn, nước uống, nơi trú ẩn an toàn, thỏ đồng hành, khu vực vệ sinh và đồ chơi.
  • Đồ chơi an toàn để chơi đùa và nhai gặm, và được thường xuyên chơi với thỏ khác và/hoặc người. 
  • Có thể lập tức tiếp cận với nơi trú ẩn an toàn để chúng có thể trốn nếu cảm thấy sợ hãi.
  • Cơ hội tập thể dục hàng ngày để luôn khỏe mạnh. Thỏ cần được tiếp cận với một khu vực rộng lớn trong thời gian mà chúng hoạt động tích cực nhất (sáng sớm, chiều muộn và qua đêm) khi chúng thích đi gặm cỏ, tìm kiếm thức ăn và tương tác với bạn bè.
  • Cỏ khô đóng vai trò rất quan trọng cho sự sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe răng miệng và tiêu hóa của thỏ, nên cần thường xuyên cung cấp bổ sung cỏ khô chất lượng tốt cho thỏ.
  • Các chất liệu thích hợp cho phép thỏ đào bới và cả khu vực để thỏ đánh dấu lãnh thổ bằng dịch tiết từ cằm, nước tiểu và phân. Mùi hương là một trong những cách giao tiếp quan trọng của thỏ.

Người nuôi thỏ cần phải luôn để ý và quan sát, nếu hành vi của thỏ thay đổi hoặc có dấu hiệu căng thẳng/sợ hãi, bạn cần phải tìm lời khuyên từ bác sĩ thú y hoặc chuyên gia về động vật có chuyên môn, vì khi đó thỏ có thể đang cảm thấy buồn khổ, mệt mỏi, chán nản, ốm bệnh hay bị thương.

Các dấu hiệu căng thẳng

  • Ẩn trốn.
  • Gặm song chắn chuồng nuôi.
  • Chải chuốt quá mức,
  • Thay đổi thói quen ăn uống hoặc vệ sinh,
  • Uống quá nhiều nước, nghịch bình đựng nước.
  • Ngồi khom người,
  • Không muốn di chuyển hoặc đi đi lại lại thành vòng tròn trong chuồng nuôi.

Thỏ nhà cần được triệt sản; điều này không chỉ ngăn chúng sinh đẻ không mong muốn mà còn giúp làm giảm nguy cơ ung thư tử cung ở thỏ cái, đồng thời làm giảm sự hung hăng ở cả thỏ đực và thỏ cái và các cặp/nhóm thỏ sẽ chung sống hài hòa hơn.

Việc tặng thỏ cho trẻ em để nuôi làm thú cưng là không phù hợp. Thỏ là loài động vật rất nhạy cảm, chúng đòi hỏi sự chăm sóc rất cẩn thận và có kinh nghiệm.

Chế độ ăn

Chế độ ăn của thỏ cần bao gồm 70% cỏ khô, 20% rau xanh và rau quả tươi, và 10% viên thức ăn chuyên cho thỏ.

  • Cỏ là phần quan trọng nhất trong chế độ ăn của thỏ. Cỏ có chất lượng tốt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của thỏ như:
    • Giúp duy trì răng khỏe mạnh. Răng thỏ dài khoảng 2-3 mm một tuần, do đó, việc nhai cỏ khô giúp thỏ mài răng, hạn chế mọc quá dài. Các bác sỹ thú y cho biết, cứ ba trong bốn cá thể thỏ được chẩn đoán là có vấn đề về răng do răng chúng mọc quá dài.
    • Giữ cho ruột khỏe mạnh. Hàm lượng chất xơ cao trong cỏ giúp cho một hệ thống tiêu hóa của thỏ hoạt động tốt.
    • Giúp giảm bớt sự nhàm chán. Việc kiếm ăn trong đám cỏ sẽ giúp thỏ giải trí.
  • Bên cạnh cỏ, nên bổ sung thêm cho thỏ ăn thức ăn nén, ví dụ như loại Burgess Excel được các bác sỹ thú y khuyên dùng, bởi loại thức ăn này chứa sự cân bằng tối ưu các chất dinh dưỡng trong mỗi viên nén.
  • Không nên cho thỏ ăn ngũ cốc trộn, vì thỏ sẽ chọn ra những thứ mà nó thích mà bỏ các phần còn lại, như vậy sẽ bỏ mất các chất dinh dưỡng quan trọng.
  • Hãy chắc chắn rằng luôn cung cấp đủ nước sạch cho thỏ.
  • Thỏ có nhiều hơn người đến 7.000 chồi vị giác, vì vậy hãy cung cấp cho thỏ chế độ ăn đa dạng một chút. Cần chọn các món ăn lành mạnh, như rau chân vịt hay cải xoăn, nhưng cũng chỉ nên cho ăn có chừng mực.
  • Đừng bao giờ cho thỏ ăn thức ăn của người. Một số thức ăn của con người độc đối với thỏ, vì vậy lời khuyên dành cho các bạn là không nên liều.

Hành vi

Vì thỏ nhà vẫn giữ được hầu hết bản năng tự nhiên của chúng, nên điều quan trọng là chúng ta cần phải hiểu về hành vi của thỏ và cách chúng sống trong môi trường tự nhiên, như vậy chúng ta có thể đảm bảo thỏ mà ta nuôi có thể sống hạnh phúc như khi sống trong tự nhiên.

Trong môi trường sống tự nhiên, có nhiều thứ khiến thỏ luôn bận rộn, từ tìm kiếm thức ăn cho đến sinh sản và bảo vệ lãnh thổ. Ngược lại, môi trường nuôi nhốt thường thiếu nhiều yếu tố kích thích, điều này có thể dẫn đến các vấn đề hành vi và sức khỏe kém ở thỏ. Cũng giống như con người, thỏ cần hoạt động cả về thể chất lẫn tinh thần.

Mô phỏng môi trường tự nhiên:

  • Đường hầm
  • Gốc cây
  • Cành cây (có thể treo trên đường chúng chạy)
  • Đồ chơi thích hợp
  • Chậu trồng cây chứa đất mùn để thỏ đào
  • Ống và bục cỡ lớn để leo trèo
  • Nơi ẩn trốn (vì bản tính của thỏ là luôn cảnh giác cao độ)
  • Hộp các tông
  • Trò chơi, chẳng hạn như gói đồ ăn trong giấy nâu để buộc chúng phải mở ra

rabbit6

Tương tác xã hội từ khi còn nhỏ

Việc cho thỏ tương tác với người, các cá thể thỏ khác, hay các loài vật khác như chó, mèo từ khi còn bé mang lại rất nhiều lợi ích cho thỏ. Việc thỏ có thể làm quen với các loài khác từ bé sẽ giúp chúng trưởng thành thân thiện và tự tin hơn. Để chúng được tiếp xúc với môi trường cùng các âm thanh bình thường bên ngoài hàng ngày cũng rất quan trọng, như vậy chúng có thể thoải mái và hạnh phúc trong môi trường sống của chúng.

Tiêm chủng

Là một người nuôi động vật có trách nhiệm, nếu bạn muốn thỏ của bạn sống khỏe mạnh và hạnh phúc, bạn cần phải tiêm phòng cho thỏ bệnh nấm da Myxomatosis ở thỏ và hai chủng bệnh xuất huyết vi rút thỏ (RVHD). Thỏ của bạn sẽ cần tiêm hai lần mỗi năm. Phổ biến nhất là vắc-xin Nobivac (phòng bệnh Myxi và RVHD1) và Filivac (phòng RVHD 1 & 2) hoặc Eravac (phòng RVHD2). Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để được tư vấn.


BACK