Động vật kỳ thú #AmazingAnimals: Ngày tê giác quốc tế 22/09

22 September 2019

Rhino and oxpeckers

Tê giác là loài động vật có vú trên cạn lớn thứ hai trên trái đất. Vào đầu thế kỷ 20, có 500.000 cá thể tê giác sống tự do trong tự nhiên ở Châu Phi và Châu Á. Tuy nhiên ngày nay, số lượng tê giác còn tồn tại trong môi trường hoang dã là không nhiều. Phần lớn tê giác hiện sống trong các vườn quốc gia và các khu bảo tồn do nạn săn trộm kéo dài và tình trạng mất sinh cảnh liên tục diễn ra trong nhiều thập kỷ qua.

Hai loài tê giác ở Châu Á – tê giác Java và tê giác Sumatra – đang bị đe dọa nghiêm trọng. Một phân loài của tê giác Java đã bị tuyên bố tuyệt chủng ở Việt Nam vào năm 2011. Một quần thể nhỏ của tê giác Java hiện nay vẫn đang bám trụ trên bờ vực sinh tồn – tuyệt chủng tại đảo Java của Indonesia. Những nỗ lực bảo tồn thành công đã giúp loài tê giác châu Á thứ ba – tê giác một sừng lớn (hay còn gọi là tê giác Ấn Độ) – tăng số lượng. Tình trạng bảo tồn của loài này đã được chuyển từ Nguy cấp sang Sắp nguy cấp, và hiện chúng vẫn còn sống ở miền bắc Ấn Độ và miền nam Nepal. Một số liệu gần đây cho thấy số lượng tê giác ở Nepal đã tăng 21% trong bốn năm qua, tuy nhiên loài tê giác này vẫn đang bị đe dọa do nạn săn trộm để lấy sừng.

Ở châu Phi, loài tê giác trắng phương nam – một loài từng được cho là đã tuyệt chủng – giờ đang phát triển mạnh trong các khu bảo tồn được bảo vệ và được phân loại là sắp bị đe dọa. Tuy nhiên, tê giác đen phương tây và tê giác trắng phương bắc gần đây đã tuyệt chủng trong tự nhiên, và hiện chỉ còn hai cá thể tê giác trắng phương bắc còn lại được bảo vệ 24/7 tại Khu bảo tồn Ol Pejeta ở Kenya. Số lượng tê giác đen đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua từ mức rất thấp (dưới 2.500 cá thể), tuy nhiên tổng số tê giác đen hiện nay vẫn chỉ là một con số rất nhỏ so với con số ước tính 100.000 cá thể tồn tại vào đầu thế kỷ 20.

Rhino in mud

Trong khi giới bảo tồn vẫn khẩn trương đưa ra các kế hoạch ngăn sự tuyệt chủng của các loài tê giác, thì bản thân các cá thể tê giác vẫn thực hiện công việc hàng ngày của chúng - sống đời tê giác. Chúng tiếp tục giao phối, nuôi dưỡng con nhỏ, đánh dấu lãnh thổ, cùng tồn tại với các loài khác và tận hưởng tắm bùn làm mát cơ thể. Cuộc sống của một sinh vật có trọng lượng 2.000 kg có thể khá thú vị!

Hầu hết các loài tê giác sống đơn độc và chúng tránh lẫn nhau. Nhưng một số loài, đặc biệt là tê giác trắng, có thể sống trong nhóm. Những nhóm này thường bao gồm một cá thể tê giác cái và các cá thể tê giác con, tuy nhiên vẫn có trường hợp các cá thể tê giác cái trưởng thành sống cùng nhau. Tê giác đực mặt khác lại muốn sống một mình, trừ khi chúng đang trong thời kỳ tìm tê giác cái để giao phối. Chúng có tập tính lãnh thổ rất cao và đánh dấu lãnh thổ của chúng bằng phân. Trên thực tế, tê giác sử dụng mùi của phân để giao tiếp với nhau, vì phân của mỗi cá thể có mùi riêng.

Tê giác có thể hiếm khi tụ tập với nhau, nhưng chúng lại dành rất nhiều thời gian với những người bạn lông vũ của mình. Người ta thường thấy chim oxpecker (đậu lưng bò) đậu trên lưng của tê giác, loài chim này sống nhờ việc bắt những côn trùng sống ký sinh trên lớp da dày của tê giác. Đây là một mối quan hệ tương hỗ, cả tê giác và chim oxpecker đều hưởng lợi, chim thì có thức ăn và tê giác có thể kiểm soát được lượng ký sinh trùng trên da. Tiếng kêu lớn của loài chim này cũng giúp cảnh báo cho người bạn to lớn của mình về những mối nguy hiểm tiềm tàng.

Rhino and birds

Ban ngày dưới thời tiết nóng nực, loài động vật có vú vĩ đại này thường nằm trong bóng râm hoặc đắm mình trong những hố bùn để làm mát cơ thể. Chúng thích cơ thể mình được bao bọc bởi bùn, vì lớp bùn trên da chúng như một chất chống nắng tự nhiên giúp bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời bỏng rát và cũng để tránh các loài bọ ve tấn công. Tê giác có thể ngâm mình trong bùn trong 3 tiếng đồng hồ trong những ngày nhiệt độ lên cao.

Tê giác và những loài có họ hàng về mặt tiến hoá với chúng có thể đã sống tự do trên trái đất của chúng ta trong hơn 55 triệu năm. Trong thời gian này, chúng đã tồn tại qua kỷ băng hà, di cư qua các lục địa, đối mặt với linh cẩu thời tiền sử và những con cá sấu khổng lồ - và chúng từng là sinh vật lớn nhất trên đất liền.
 
Nếu như bây giờ tê giác có thể sống tự do trong tự nhiên hoang dã để đắm mình trong bùn, ngửi phân của những con tê giác khác và chơi đùa cùng những bạn chim, thì chúng sẽ một lần nữa phát triển mạnh mẽ trong sinh cảnh tự nhiên của mình, như chúng đã phát triển hàng trăm và triệu năm trước. Việc chúng có phát triển được như vậy hay không sẽ phụ thuộc vào việc loài người chúng ta có khả năng chấm dứt sự hủy hoại môi trường sống của tê giác và nạn săn trộm sừng tê giác đang diễn ra tràn lan như hiện nay hay không.
 
Tê giác thực sự là những sinh vật tuyệt vời!

Tình trạng bảo tồn của tê giác

Người ta ước tính chỉ còn lại khoảng 29.000 cá thể tê giác ngoài tự nhiên, so với con số 500.000 vào đầu thế kỷ 20. Mối đe dọa chính đối với những sinh vật tuyệt đẹp này là nạn săn bắn bất hợp pháp, phần lớn là để lấy sừng do sừng tê giác được sử dụng trong y học dân gian truyền thống, đặc biệt là ở châu Á.

Để cứu lấy những cá thể tê giác hiện còn sống sót, các quốc gia phải hợp tác để bảo vệ các khu bảo tồn, và đặc biệt là để ngăn chặn nạn buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp. Điều đó đồng nghĩa với việc ngăn chặn những kẻ săn trộm giết tê giác, đồng thời xử lý được mạng lưới tội phạm có tổ chức rộng lớn chuyên vận chuyển sừng đến Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Một mục tiêu nữa cũng quan trọng không kém đó là xoá bỏ “cầu” về sừng tê giác: hiện nay, sừng tê giác là biểu tượng cho địa vị và sự giàu có ở Trung Quốc, bởi vậy mọi người sẵn sàng trả rất nhiều tiền để mua được chúng.

Nếu chúng ta có thể đạt được điều này, ít nhất một số loài tê giác có thể bắt đầu phục hồi trở lại và phát triển quần thể của chúng. Có lẽ đã quá muộn đối với một số loài và phân loài có quần thể nhỏ đến mức không bao giờ phục hồi được nữa. Nhưng ít nhất, tê giác đen và Ấn Độ chắc chắn có thể được giải cứu.

Rhinos wallow in mud

Để biết thêm thông tin chi tiết về các cách giúp bảo vệ tê giác hoang dã, vui lòng truy cập:
 
Save the Rhino: https://www.savetherhino.org/
World Wildlife Fund (WWF): https://www.worldwildlife.org
International Rhino Foundation: https://rhinos.org

 


QUAY LẠI