Có hơn 500 loài linh trưởng khác nhau, từ các loài khỉ dạng người loại lớn (great apes) cho đến loài khỉ đuôi sóc châu Mỹ tí hon và khỉ tamarin. Linh trưởng cực kỳ đa dạng về kích thước, chế độ ăn, môi trường sống và hành vi. Nhiều loài linh trưởng rất giống với con người chúng ta, chẳng hạn như tinh tinh (chimpanzee) và bonobo sở hữu ADN giống với con người đến 99,6%.
Đau buồn thường được coi là một năng lực cao cấp mà chỉ loài người mới có. Tuy nhiên, người ta đã ghi nhận nhiều trường hợp các loài linh trưởng phi nhân bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của một thành viên thân thiết trong gia đình.
Trên thực tế, những ghi nhận về cảm xúc đau buồn ở linh trưởng đã xuất hiện từ năm 1879, khi một nhà tự nhiên học miêu tả một cá thể tinh tinh đực trong môi trường nuôi nhốt đã bày tỏ nỗi đau buồn trước sự ra đi của một cá thể tinh tinh cái là bạn duy nhất sống chung với nó trong nhiều năm. Khi cá thể tinh tinh đực đi ngang qua tinh tinh cái đã chết và không thể đánh thức cô bạn quá cố của mình dậy, nó đã gào lên và tự giật lông mình. Nó cố gắng ngăn cản những nhân viên chăm sóc đang dọn xác bạn mình đi và dành cả ngày sau đó rên rỉ và khóc lóc, thậm chí nấc lên một âm thanh mà người ta chưa từng nghe thấy trước đây; âm thanh đó được cho là chỉ phát ra khi tinh tinh này thực sự đau buồn [1].
Không chịu buông rời đứa con chết non
Một hành vi quan sát được ở các loài linh trưởng và được cho là dấu hiệu của đau buồn là việc không chịu buông rời xác của đứa con chết non. Con mẹ sẽ đối xử với đứa con chết non rất khác với những đứa con còn sống, bằng cách ôm xác con non đi khắp nơi trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Trong một trường hợp, một cá thể khỉ mũi hếch đã ôm đứa con đã chết của mình trong bốn ngày trước khi các nhà nghiên cứu gỡ bỏ cái xác đi [2].
Khỉ mẹ đã mang xác con bên mình đi khắp nơi, bắt chấy rận cho nó, và sau khi cái xác bị dọn đi, khỉ mẹ kêu gào trong nhiều ngày. Trong khoảng thời gian ấy, nó cũng tự tách mình khỏi bầy đàn. Việc tự tách mình khỏi các hoạt động xã hội bình thường (ví dụ như bắt chấy rận) ở một số loài linh trưởng phi nhân cũng tương tự với hiện tượng trầm cảm và tự tách mình khỏi xã hội ở con người khi đang trong trạng thái đau buồn.
Tìm cách bù đắp mất mát
Trong những trường hợp đặc biệt khác, những cá thể mất con tìm cách bù đắp mất mát bằng cách đối xử với những đứa con lớn của mình như con non, ví dụ như cho chúng ăn, chia sẻ tổ với chúng, thậm chí bế chúng theo mình khắp nơi [3].
Mất mẹ
Trong một trường hợp bi thảm và nổi tiếng về nỗi đau buồn của tinh tinh, sự đau khổ khi mất đi tinh tinh mẹ thân yêu trở nên quá sức chịu đựng đối với một con tinh tinh đực đang tuổi lớn. Khi em trai chào đời, Flint mới 5 tuổi và nó vô cùng ghen tị trước sự xuất hiện của đứa con mới này. Thấy mẹ mình dồn mọi sự chú ý sang đứa em mới sinh, Flint trở nên chán nản. Đáng buồn là sau đó, tinh tinh mẹ đổ bệnh và chết cùng đứa con mới sinh. Flint chìm trong đau khổ, và mặc cho các anh chị an ủi, chăm sóc thế nào, nó vẫn tỏ ra thờ ơ và chán chường cuộc sống. Nó thường xuyên tới thăm lại những cái tổ mà nó và mẹ từng ở, ngồi nhìn chằm chằm vào đó rất lâu. Mặc dù nó đã đủ cứng cáp để sống mà không cần mẹ, nhưng nỗi đau buồn này là quá lớn. Một đêm, Flint đi tới nơi mà mẹ nó đã chết, ngồi nhìn chằm chằm vào đó hàng giờ đồng hồ, sau đó nó nhích lên một chút, nằm cuộn tròn mình lại và chết. Nó đơn giản đã mất hết ý chí sống [4].
Mất thú cưng
Koko là một cá thể khỉ đột được con người dạy sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Người ta cho nó một con mèo con để làm bạn; Koko đã cực kỳ gắn bó và yêu thương bạn mèo này của mình. Khi con mèo con chết, Koko dùng ngôn ngữ ký hiệu nói với người huấn luyện của mình những từ như "khóc, buồn, cau mày". Koko có khả năng truyền đạt rất rõ ràng trạng thái cảm xúc của nó, và đã cho người huấn luyện biết rằng nó đang rất đau buồn khi mất đi bạn mèo. Koko tự thu mình lại trong nhiều tuần liền, và chỉ vui vẻ trở lại khi được tặng một con mèo mới [5].
Linh trưởng là những sinh vật có cảm xúc, nhạy cảm và biết đồng cảm với những sinh vật khác
Đau buồn chỉ là một trong rất nhiều cảm xúc mà các loài linh trưởng có chung với con người chúng ta, nhưng đó là một cảm xúc cực kỳ đặc biệt. Để có thể "biết" đau buồn, linh trưởng cần hình thành những mối quan hệ yêu thương, gắn bó sâu sắc với các cá thể khác. Chúng cần hiểu rằng những "người thân" của mình đã ra đi mãi mãi và cần có năng lực về mặt cảm xúc, nếu không thì sự mất mát không thể sinh ra nỗi đau buồn. Đau buồn là một cảm xúc phức tạp, và chúng ta vẫn chưa hiểu hết về cảm xúc này ở con người. Rõ ràng từ những trường hợp kể trên, linh trưởng cũng trải nghiệm cảm xúc đau buồn theo cách tương tự như con người. Xét cho cùng, chúng ta cũng không quá khác biệt, và hiển nhiên là con người chúng ta cũng chỉ là một loài linh trưởng mà thôi.
Linh trưởng thực sự rất tuyệt vời.
Phúc lợi của linh trưởng
Những loài linh trưởng có khả năng về mặt cảm xúc, đây là một sự thật. Điều này đồng nghĩa với việc phúc lợi của chúng cần phải được bảo vệ. Chúng cũng biết đau khổ khi bị con người ngược đãi, dù là khi bị nuôi nhốt làm thú cưng trong môi trường không phù hợp với tập tính tự nhiên của chúng, hay khi bị bắt biểu diễn phục vụ khách du lịch, hoặc khi bị thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm. Ngoại trừ con người, các loài linh trưởng đều là động vật hoang dã, chúng thuộc về tự nhiên nơi chúng được tiến hoá để sống với gia đình mình, để tự do tìm kiếm thức ăn, chơi đùa, di chuyển và giao tiếp xã hội.
Linh trưởng bị nuôi làm thú cảnh
Trên thế giới hiện có rất nhiều loài linh trưởng khác nhau đang bị nuôi làm thú cảnh, thường bị nhốt trong các chuồng nuôi riêng biệt, trống trơn, kích thước rất nhỏ, không hề phù hợp với năng lực trí tuệ và cảm xúc của chúng. Rất khó, nếu không muốn nói là không thể, đáp ứng được nhu cầu của những loài động vật phức tạp này trong môi trường nuôi nhốt. Trong tự nhiên, hầu hết các loài linh trưởng sống thành những nhóm lớn, phải đi những quãng đường rất xa để kiếm được thức ăn, và cuộc sống của chúng chứa rất nhiều yếu tố kích thích mà môi trường nuôi nhốt không thể đáp ứng được.
Linh trưởng bị sử dụng trong ngành giải trí
Đáng buồn là rất nhiều loài linh trưởng hiện đang bị sử dụng trong ngành du lịch và giải trí để mua vui cho du khách trên toàn thế giới, và du khách hoàn toàn không nhận thức được rằng mình đang trả tiền cho một ngành công nghiệp độc ác đến mức nào. Những cá thể linh trưởng bị bắt biểu diễn có nguồn gốc từ tự nhiên hoang dã, bị tách khỏi mẹ từ khi còn rất nhỏ, và thường trong quá trình đó con mẹ sẽ bị giết chết. Con non sau đó bị huấn luyện bằng các kỹ thuật độc ác để biểu diễn những trò mua vui như đi xe đạp hay tung hứng. Khi chúng lớn lên và trở nên nguy hiểm, chúng sẽ bị giết, bán đi, hoặc tái thả về tự nhiên và thường bị chết đói sau đó.
Linh trưởng bị sử dụng làm vật thí nghiệm
Rất nhiều linh trưởng bị sử dụng trong các thí nghiệm của con người, dù cho đó là thử nghiệm thuốc, các sản phẩm vệ sinh như xà bông, sữa tắm, hoặc nghiên cứu hành vi. Tuỳ vào từng phòng thí nghiệm trên thế giới, linh trưởng có thể bị nuôi nhốt riêng biệt, trải qua rất nhiều những thí nghiệm đau đớn, sống cả đời trong môi trường nuôi nhốt, và không có cơ hội thể hiện các hành vi tự nhiên của mình. Một cuộc sống trong lồng cũi thì không còn là cuộc sống nữa, dù đối với bất kỳ con vật nào.
Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ linh trưởng?
Linh trưởng thuộc về tự nhiên hoang dã; chúng ta nên nhìn thấy chúng ở đó thay vì trong những cũi lồng. Không may, một số công ty du lịch vẫn đang bóc lột các loài linh trưởng hoang dã và đặt sức khoẻ cũng như an toàn của chúng vào vòng nguy hiểm. Nếu bạn muốn quan sát linh trưởng trong tự nhiên, hãy cố gắng tìm một công ty du lịch, một hướng dẫn viên du lịch có đạo đức – những người biết tôn trọng sự an toàn và giới hạn của động vật.
Không cá thể linh trưởng nào tự nguyện lựa chọn mua vui cho chúng ta. Chỉ có con người đã bắt chúng khỏi tự nhiên hoang dã, chia lìa chúng với mẹ chúng, và bắt chúng phải biểu diễn cho khách du lịch. Ngừng tiếp tay cho ngành công nghiệp độc ác này bằng cách không mua vé xem linh trưởng biểu diễn, và không trả tiền để chụp ảnh với động vật hoang dã.
Để tìm hiểu thêm về các cách giúp đỡ linh trưởng, vui lòng truy cập:
RSPCA- stop the trade of primates as pets: https://www.rspca.org.uk/getinvolved/campaign/primates
Sign a pledge to say that you will not add to the misery of wild animals being used in entertainment: https://www.worldanimalprotection.org.uk/campaigns/animals-wild/wildlife-not-entertainers?from=international_en
Help stop the international trade in monkeys for research: https://www.crueltyfreeinternational.org/what-we-do/primate-campaign/stop-international-trade-monkeys-research
Tài liệu tham khảo:
1. Brown, A.E. (1879). Grief in the Chimpanzee. The American Naturalist, 13(3), 173–175.
2. Li, T., Ren, B., Li, D., Zhang, Y., & Li, M. (2012). Maternal responses to dead infants in Yunnan snub-nosed monkey (Rhinopithecus bieti) in the Baimaxueshan Nature Reserve, Yunnan, China. Primates; Journal of Primatology, 53, 127–32.
3. Goodall, J. (1971). In the Shadow of Man. New York: Mariner Books.
4. Goodall, J. (1990). Through a window: My Thirty Years with the Chimpanzees of Gombe. New York, NY: Mariner Books Houghton Mifflin Harcourt.
5. Patterson, F. (1985). Koko's Kitten. Woodside, CA: The Gorilla Foundation.