Động vật kỳ thú #AmazingAnimals: Ngày bạch tuộc quốc tế 08/10

08 October 2019

Octopusese' facts

Hiện nay có khoảng 300 loài bạch tuộc trên thế giới, tuy nhiên đây chưa phải con số cuối cùng do vẫn còn tồn tại những loài mà khoa học chưa xác định được. Bạch tuộc có họ hàng gần với mực nang và mực, do cả ba nhóm động vật này đều thuộc Lớp Chân đầu (Cephalopoda). Bạch tuộc cũng được xếp vào nhóm động vật không xương sống, tương tự như côn trùng và cua.

Bạn có tò mò “nhà” của một con bạch tuộc là nơi như thế nào không? Phần lớn bạch tuộc sống ở đáy biển, sử dụng các kẽ nứt và đá để ẩn náu. Hầu hết các loài bạch tuộc sống đơn độc trong các ngôi “nhà” mà chúng xây nên bằng đá hoặc vỏ sò. Người ta từng thấy một số con bạch tuộc thậm chí đã làm cả cửa ra vào cho nơi trú ẩn của mình!

Khả năng nguỵ trang đáng kinh ngạc!
 
Bạch tuộc có thể thay đổi màu sắc và kết cấu của da để “hoà lẫn” vào môi trường xung quanh. Điều này khiến chúng trở thành “bậc thầy” trong việc ẩn mình khỏi những kẻ săn mồi và cả con mồi nữa!


 
Những sinh vật “người ngoài hành tinh” trong đại dương
 
Không có nhiều sinh vật sở hữu ngoại hình mang tính “người ngoài hành tinh” hơn bạch tuộc. Với tám xúc tu, một đôi mắt to và thân mình không xương sống, bạch tuộc mang một dáng vẻ hoàn toàn khác so với con người chúng ta cũng như các loài động vật quen thuộc khác. Tuy nhiên, bạch tuộc là loài động vật cực kỳ thông minh, và chỉ gần đây thôi con người mới bắt đầu nhận ra trí tuệ của bạch tuộc đáng ngạc nhiên tới mức nào.

Những nghệ sĩ có tài trốn thoát
 
Các nhà nghiên cứu làm việc với bạch tuộc đã ca ngợi sự thông minh và sáng tạo của loài động vật này trong việc tìm ra các phương pháp mới để trốn thoát khỏi bể chứa khi không có người canh chừng. Rất nhiều lần, bạch tuộc nuôi nhốt đã khiến các nhà nghiên cứu rối trí khi trốn thoát khỏi các bể chứa tưởng chừng như không thể vượt qua. Do bạch tuộc không có xương, chúng dễ dàng ép mình để chui qua được những khoảng trống dù chỉ nhỏ như một đồng xu.
 
Một con bạch tuộc nuôi nhốt ở New Zealand đã trở nên nổi tiếng sau khi trốn thoát khỏi thuỷ cung. Vào một buổi tối khi nắp bể của cậu chàng mới chỉ được khép hờ chứ chưa được đóng chặt lại, Inky đã nắm lấy cơ hội để tẩu thoát. Người ta cho rằng con bạch tuộc đã trèo ra khỏi bể, men theo sườn bể, băng qua 4 mét sàn nhà để tới được chỗ ống thoát nước. Ống thoát nước dài 50 mét này dẫn thẳng ra biển, và từ đó về sau không ai gặp lại Inky nữa.


 
Khéo léo giải quyết vấn đề
 
Người ra đã từng chứng kiến bạch tuộc phun nước vào đèn để quên qua đêm trong phòng thí nghiệm, do đó làm chập điện và tắt đèn thành công.
Bạch tuộc giải quyết các vấn đề rất giỏi. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng có thể giải quyết mọi loại câu đố, mọi kiểu mê cung, thường là nhanh hơn các loài động vật có vú thông minh khác.
 
Những thợ săn mưu trí
 
Bạch tuộc là động vật hoang dã, và môi trường sống trong tự nhiên là nơi mà trí thông minh của chúng được phát huy tối đa và đáng kinh ngạc nhất. Chẳng hạn như loài bạch tuộc sọc Thái Bình Dương đã phát triển một phương pháp săn mồi độc đáo: khi chúng phát hiện ra một con tôm, chúng sẽ nén mình lại, bò đến gần đối tượng, rồi vỗ nhẹ vào phía bên kia của mình tôm. Con tôm sau đó bị giật mình và sẽ nhảy thẳng vào các “cánh tay” bạch tuộc đang dang ra đợi sẵn.


 
Bạch tuộc thực sự là loài động vật đáng kinh ngạc!
 
Các vấn đề về phúc lợi của bạch tuộc
 
Bạch tuộc được sử dụng trong các phòng thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu và do đó gặp phải rất nhiều vấn đề ảnh hưởng xấu tới phúc lợi của chúng. Bạch tuộc là động vật hoang dã, bởi vậy nên cuộc sống trong môi trường nuôi nhốt là cực kỳ hạn chế đối với chúng, và môi trường nuôi nhốt không bao giờ có thể sao chép được sự rộng lớn và luôn đầy biến động của đại dương – sinh cảnh tự nhiên mà bạch tuộc đã tiến hoá để sống trong đó. Bạch tuộc còn là loài động vật cực kỳ thông minh, vì vậy chúng có thể dễ dàng cảm thấy nhàm chán khi phải sống trong môi trường nuôi nhốt.
 
Bạch tuộc hiện được bảo vệ theo luật pháp của một số quốc gia khi được sử dụng trong nghiên cứu. Đây là một trường hợp ngoại lệ của động vật không xương sống, bởi phần lớn các loài không xương sống không hề được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên ngay cả khi được bảo vệ như vậy, cuộc sống trong phòng thí nghiệm vẫn không thể so được với tự nhiên, và do đó điều chắc chắn là phúc lợi của bạch tuộc sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
 
Chăn nuôi bạch tuộc?
 
Khi dân số thế giới vẫn đang tiếp tục tăng, ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về cách đảm bảo lương thực cho tất cả mọi người. Gần đây, bạch tuộc được coi là một loài có thể chăn nuôi được, và hiện đang có một số trang trại trên thế giới chăn nuôi bạch tuộc để làm thức ăn cho con người. Việc hiểu rõ những nhu cầu của bạch tuộc trên phương diện phúc lợi, và hiểu về khả năng của chúng trên phương diện trí thông minh, là điều đặc biệt quan trọng để bảo vệ những nhu cầu này của chúng.


QUAY LẠI